Trong kỳ tuyển sinh năm 2013, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (IUH) được đào tạo ngành thương mại điện tử (TMĐT) theo Quyết định số 723/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là trường đại học đầu tiên trong cả nước đào tạo ngành TMĐT. Đồng thời, ngành Thương mại điện tử của IUH cũng là ngành Thương mại đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế (AUN-QA).
Ngành thương mại điện tử là gì?
- Thương mại điện tử (tiếng Anh là Electronic Commerce) là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến. Là quá trình tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động thương mại thông qua những phương tiện điện tử hiện đại, theo đó, các hoạt động giao dịch, mua bán, quảng bá được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm chi phí và mở rộng phạm vi kinh doanh.
Ngành học Thương mại điện tử là sự giao thoa giữa ngành kinh doanh và công nghệ thông tin. Sinh viên ngànhThương mại điện tử được trang bị nhóm kiến thức sau:
- Phát triển tư duy sáng tạo, định hướng kinh doanh, lên ý tưởng khởi nghiệp.
- Khả năng tự phát triển ý tưởng kinh doanh Thương mại điện tử trên nền tảng website, thiết bị di động (IOS, Android).
- Tiếp thị trực tuyến, tiếp thị nội dung trên nền tảng Facebook, Google, Youtube.
- Quản trị đơn hàng, bán hàng, quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực,…
- Phát triển hệ thống và chăm sóc khách hàng, nhà cung cấp.
- Theo học ngành này, sinh viên sẽ được học những kiến thức về kinh tế, tổ chức kinh doanh trên mạng Internet, vận dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm, khai thác thông tin, mở rộng thị trường kinh doanh, nghiệp vụ kinh doanh cụ thể trong giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, khai báo hải quan, thanh toán, vận tải và bảo hiểm hàng hóa... Đặc biệt, các kiến thức về mạng máy tính, an ninh mạng và chữ ký số trong quản trị mạng, bảo mật và bảo toàn thông tin...
- Ngoài ra, sinh viên còn được tiếp cận với các môn học: Kinh tế thương mại, Pháp luật thương mại điện tử, Marketing điện tử, Thư tín thương mại, Kỹ thuật nghiệp vụ thương mại, Quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế, Quản trị khách hàng trong Thương mại điện tử ....
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO HỆ ĐẠI HỌC CHÍNH QUY
1. THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Tên ngành: Thương mại điện tử
Tên tiếng Anh: Electronic Commerce
Mã ngành: 7340122
Trình độ đào tạo: Đại học
Hình thức đào tạo: Chính quy
Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương
Thời gian đào tạo: 3.5 năm
Khối lượng kiến thức tích lũy: 139 tín chỉ
2. MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
2.1. Mục đích đào tạo
Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin có kỹ năng đáp ứng những yêu cầu trong thương mại trực tuyến, tiến hành nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong CNTT vào thương mại điện tử, đặc biệt là hướng vào các ứng dụng nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2.2. Mục tiêu đào tạo
Sinh viên sẽ được học những kiến thức về kinh tế, tổ chức kinh doanh trên mạng Internet, vận dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm, khai thác thông tin, mở rộng thị trường kinh doanh, nghiệp vụ kinh doanh cụ thể trong giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, khai báo hải quan, thanh toán, vận tải và bảo hiểm hàng hóa trong kinh doanh thương mại điện tử... Đặc biệt, các kiến thức về mạng máy tính, an ninh mạng và chữ ký số trong quản trị mạng, bảo mật và bảo toàn thông tin... phục vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
2.2.1. Kiến thức
Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội - nhân văn và kiến thức nền tảng về Kinh tế, Quản lý và Công nghệ thông tin đáp ứng việc tiếp thu các kiến thức Thương mại điện tử và vận dụng trong lĩnh vực chuyên môn.
Trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Thương mại điện tử nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng thực hiện, tổ chức quản lý và điều hành được các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong môi trường trong nước và quốc tế.
2.2.2. Kỹ năng
Sau khi học xong chương trình, người học có các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm cần thiết để có thể làm việc trong môi trường hiện đại, đa ngành và đa văn hóa. Biết giao tiếp và làm việc nhóm; biết tổ chức, triển khai và thực hiện chuyển giao công nghệ; phân tích và giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn của ngành thương mại điện tử.
2.2.3. Thái độ
Sau khi học xong chương trình, người học sẽ rèn luyện được các đức tính trung thực, cẩn thận, chính xác và chuyên nghiệp trong các công việc liên quan đến ngành học; cũng như biết lắng nghe, chân thành và cởi mở trong giao tiếp.
2.3. Các mục tiêu khác
Giáo dục đạo đức nghề nghiệp và khơi gợi, nuôi dưỡng niềm đam mê học tập suốt đời để giúp duy trì, phát triển kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và có khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể hội nhập, làm việc, cống hiến cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.
3. CHUẨN ĐẦU RA
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có các năng lực:
- Vận dụng kiến thức chung về khoa học tự nhiên và xã hội vào hoạt động thương mại điện tử
- Giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại điện tử trong bối cảnh địa phương và quốc tế bằng cách áp dụng kiến thức cơ bản và chuyên nghiệp
- Phân tích các trường hợp cũng như các giải pháp kinh doanh thương mại điện tử dựa trên các nguyên tắc và mô hình của thương mại điện tử, cũng như trên các kiến thức liên ngành có liên quan
- Xây dựng chiến lược kinh doanh thương mại điện tử cho doanh nghiệp
- Triển khai kế hoạch kinh doanh thương mại điện tử bằng ứng dụng công nghệ
- Áp dụng các kỹ năng mềm vào hoạt động thương mại điện tử
- Thực hành đạo đức học thuật, tính chuyên nghiệp và tính liêm chính trong thương mại điện tử
- Học tập suốt đời để không ngừng nâng cao và phát triển kiến thức trong lĩnh vực thương mại điện tử, bao gồm cả khởi nghiệp..
Chương trình đào tạo Khóa 18 xem tại đây
Quyết định thí điểm chương trình xem tại đây
Quyết định ban hành Bộ chương trình đào tạo bậc đại học năm 2022 xem tại đây
4. CƠ HỘI VIỆC LÀM
Sau khi ra trường, các bạn có thể đảm nhận các vị trí sau:
+ Nhân viên kinh doanh online;
+ Chuyên viên marketing online;
+ Chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các công ty, doanh nghiệp. Có cơ hội thăng tiến lên vị trí Giám đốc thông tin (CIO), Giám đốc E- Marketing;
+ Chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển công nghệ thông tin;
+ Tư vấn viên cho các công ty tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử hoặc quản trị doanh nghiệp điện tử;
+ Cán bộ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành;
+ Giảng viên ngành Thương mại điện tử tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp…
Với công việc trên, sinh viên theo học ngành Thương mại điện tử có thể khẳng định năng lực của mình tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước tại các bộ phận như:
Phòng Marketing, Phòng nghiệp vụ kinh doanh, Phòng Kế hoạch tại các công ty, doanh nghiệp kinh doanh, thương mại;
Công ty tin học, công nghệ thông tin liên quan đến việc thực hiện các giải pháp công nghệ trong kinh doanh, thương mại;
Trường Đại học, viên nghiên cứu, trung tâm công nghệ, sở ban ngành liên quan đến công nghệ thông tin…
Mức lương ngành Thương mại điện tử
So với các ngành nghề khác thì mức lương ngành Thương mại điện tử khá cao, đối với sinh viên mới ra trường và ít kinh nghiệm sẽ có mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, tùy vào năng lực, vị trí và kinh nghiệm làm việc sẽ có mức lương cao hơn từ 10 - 20 triệu đồng/ tháng.